Tony hay đến thành phố Yên Đài (Yantai, đọc là Den-Thải) nhiều lần trong năm để mua nguyên liệu phân bón. Nói hàng Trung Quốc xấu thì không hẳn, vì ở TQ có nhà máy cấp tỉnh, nhà máy cấp huyện, cấp xã cấp thôn. Loại cấp tỉnh thì xuất qua Mỹ Nhật Châu Âu, cấp huyện thì thường dùng trong nước, loại cấp xã cấp thôn thì xuất qua mấy thị trường ham rẻ như Cam Túc, Thanh Hải, các nước Đông Nam Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh…Một cái quần jean ở Quảng Châu giá 200 USD thì cũng có, giá 2 USD thì cũng có. Nếu mình sống ở châu Âu hay Mỹ, mở hàng hóa ra thấy Made in China thì cũng đừng có ngại, vì để vô được các quốc gia này, mọi hàng hóa đã phải có sự kiểm nghiệm gắt gao. Thường các công ty đa quốc gia sẽ cử người đến Trung Quốc giám sát từ đầu đến cuối, tận dụng nguyên liệu có sẵn và nhân công rẻ của quốc gia này, nhưng họ phải kiểm soát chất lượng.
Trở lại Yên Đài, đây là thành phố nhỏ trực thuộc tỉnh Sơn Đông, có thắng cảnh Bồng Lai Các, nơi lưu giữ thơ văn của nhiều thi sĩ như Tô Đông Pha. Đứng ở Bồng Lai Các, mình sẽ nhìn thấy giữa biển có một vạch màu, chia làm 2 phần. Phần màu vàng là biển Hoàng Hải và phần màu xanh là biển Bột Hải. Vào ngày có sương mù, mình còn có cơ hội nhìn thấy ở ngoài khơi có những tòa nhà, có xe cộ chạy, người ta giải thích là hiện tượng quang học gì đó mà nó phản chiếu 1 thành phố trong đất liền ra ngoài như chiếu phim ấy. Trình độ Hán Ngữ của Tony chỉ có vậy nên không hiểu rõ lắm.
Ở Yên Đài, táo được trồng mênh mông bạt ngàn nên được gọi là thủ đô táo của Trung Quốc. Có nhiều giống khác nhau nhưng phổ biến nhất là giống táo hồng trông như táo giả, nhìn đẹp nhưng ăn bở không ngon. Nông dân dùng kích thích sinh trưởng nên cây lớn nhanh như thổi, hoa chi chít từ gốc đến ngọn, có cây rụng lá hết trơn mà trĩu cành hàng ngàn quả. Chính vì không thuận tự nhiên mà cây táo ở Yên Đài có tuổi thọ khá ngắn, khai thác đâu 10 năm là phải đốn bỏ. Táo không trồng được ở khí hậu nhiệt đới vì nó cần độ lạnh và tuyết vào mùa đông. Nên ai nói táo Đà Lạt hay táo Sapa gì đó thì không đúng, ở Sapa chỉ có táo mèo hoặc chỉ là trồng thí nghiệm, không thành nông sản bán ngoài chợ được.
Trái cây muốn bảo quản phải dùng hóa chất bảo quản hoặc phương pháp lạnh sâu nhanh, như xử lý dứa (thơm) hay chuối, họ chỉnh đúng nhiệt độ chính xác 6.5 độ C trong mấy phút, rồi chuyển qua nhiệt độ bao nhiêu đó trong mấy phút, trụng vô sáp trong mấy phút… Táo ở Mỹ, châu Âu cũng vậy, họ xử lý bằng nước có vitamin C (ascorbic acid) và bảo quản cả năm trong kho lạnh, vì thu hoạch theo mùa trong khi siêu thị thì lúc nào cũng có.
Ở Yên Đài, ngoài việc bọc quả táo bằng túi giấy có tẩm thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ xử lý sau thu hoạch là cả 1 vấn đề về an toàn thực phẩm. Có lần Tony tham quan 1 xưởng đóng gói táo ở đây. Vừa bước vào xưởng, Tony nhìn thấy mấy bồn chứa to như cái nhà, táo sau khi rửa sạch, sẽ được đổ vào bồn, ngâm khoảng 30 phút rồi theo băng chuyền đến khu vực quạt sấy khô. Nhân công sẽ dùng cái miếng xốp bọc từng quả, bỏ vào thùng. Trong cái bồn ngâm đó, ôi thôi hầm bà lằng các loại hóa chất, rồi có cả hương táo nhân tạo nữa. Nên táo ngâm vào đó xong, thơm nồng nặc…mùi táo.
Tony trò chuyện với anh Trung, chủ xưởng. Ảnh nói táo đưa vô siêu thị Bắc Kinh, Thượng Hải thì là loại khác, quy trình khác, đóng gói trong nhà máy khác. Còn cái này của tụi tao bán ở các tỉnh phía nam, từ đây đến đó cả mấy nghìn dặm, khí hậu dưới đấy lại nóng ẩm, dễ hỏng lắm. Tony kể có lần nhà tao có mua 1 quả táo, xong để quên, 1 năm sau bổ ra thì thấy bên trong đã thối còn bên ngoài vẫn tươi nguyên. Ảnh cười ha hả, nói với kiểu xử lý như vầy, bên ngoài đã nhựa hóa, thì có con vi khuẩn nào xâm nhập được vào đâu mà gây thối. Có thối thì thối từ bên trong do trong ruột chưa nhựa hóa kịp. Thì cũng như mày mua táo nhựa thôi.
Tony bắt đầu choáng váng nhẹ. Anh Trung nhìn Tony một hồi rồi nói, Tony à, mày đẹp trai nhìn y chang nhân vật Vạn Kiếm Nhất trong truyện Tru Tiên, đừng có chết sớm uổng lắm, nên nghe tao dặn nè. Nếu mày mua táo mà phơi nắng phơi sương cả tháng không hỏng, mùi hương nồng nàn thì nhớ gọt bỏ sâu khoảng 1cm từ vỏ. Còn mua ở siêu thị loại bảo quản lạnh thì cứ an tâm. Tao làm cái này chứ cũng không có ăn, nông dân cũng vậy, họ trồng riêng cái nào để ăn cái nào để bán. Tao nghĩ ở nước mày cũng vậy mà, nông dân bao giờ chẳng trồng khu này “để ăn” khu kia “để bán”. (Bài liên quan: Chủ nghĩa Makeno)
Tony nghe xong, mặt mũi như “da trời ai nhuộm mà xanh ngắt“. Anh Trung hỏi mày bị càn-mao ư (càn-mao là cảm mạo). Cái Tony nói ừa, chắc tao bị thẩu thẩng (thẩu thẩng là nhức đầu) hay quay thung gì đó (quay thung là đau bụng). Anh Trung rú lên, Tony ơi, mày bị càn-mao mà nhìn cũng đẹp. Rồi anh cho công nhân viên nghỉ giải lao để tham quan Tony, anh nói, đúng là đất phương nam, kỳ địa sinh kỳ nhân, nó bị càn-mao mà vẫn ngời ngời thanh tú.