Liều và Lĩnh – Tony Buổi Sáng
Lúc thực tập, Tony có đi làm cho một xí nghiệp giày xuất khẩu. Bên Hàn Quốc cung cấp một loại keo dán đế, có chứa dung môi dễ bắt lửa, nên quản đốc căn dặn công nhân tuyệt đối không được hút thuốc trong nhà xưởng. Nhưng vừa quay đi thì có cậu công nhân móc ra làm điếu vì thèm, thấy quản lý tới thì vội ném xuống sàn rồi lấy chân giẫm lên. Có lần vừa ném xuống, trúng vào lọ keo bị đổ, thế là cháy bùng lên. Mời lên phòng kỷ luật thì gật gật gù gù dạ em hiểu, em hứa, em thề, nhưng hôm sau vẫn chứng nào tật đấy. Tony phải đề xuất cho nghỉ việc vì chẳng mấy chốc mà nướng hết mấy trăm công nhân và biến xí nghiệp thành lò quay. Lúc đó có quánh có đập nó thì sự cũng đã rồi.
Giao thông ở ta là nơi biểu diễn cái liều nhiều nhất. Xa lộ, cao tốc và thình lình những người băng qua đường, trèo lên dải phân cách dưới làn xe vun vút. Cầu vượt bộ hành chỉ dành cho vài cặp tình nhân leo lên đó để ngắm xe. Hay những bạn thơ ngây đi ngược chiều hay đường cấm, vừa đạp xe vừa hát, vừa đạp xe vừa gặm bánh mì, nó tông 1 phát thì “câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng“. Những chiếc xe máy chạy cắt ngang đầu xe hơi cái rẹt, chỉ một phút lơ là của tài xế xe hơi là có thể leo lên nóc tủ suốt ngày ăn chuối xanh, ngắm gà khỏa thân, nhưng chỉ có người nước ngoài là thấy sợ, người Việt thấy bình thường với cảnh đó. Không ai hiểu sao có một quốc gia mà giao thông rối rắm phức tạp, nhiều loại phương tiện từ thô sơ đến siêu sang tranh nhau từng mét đường, còi bóp inh ỏi, la hét gầm gừ, ném vào nhau những ngôn từ xấu xí nhất của tiếng Việt và ánh mắt giận dữ khi va quẹt. Nếu đụng nhau, người đi xe đạp sẽ mắng người đi xe máy, người đi xe máy sẽ mắng người đi xe hơi. Cứ xe to hơn là có lỗi trước mắt và thường nhường nhịn thì là bỏ qua, nhưng nếu sừng cồ lại thì sẽ dẫn đến tranh chấp quyết liệt, thậm chí nói có mã tấu trong cốp xe tao nha mậy.
Có cái tự liều, như việc đi ngắm bão chụp hình, đứng càng sát chụp càng đẹp rồi bị sóng cuốn xuống biển, Long Vương hỏi vì sao con chết thì nói ủa ông không coi hình con mới khoe trên facebook hôm nay hả? Đi tàu trên biển hay sông, có áo phao nhưng không ai mặc. Thậm chí có phà chở mấy trăm khách nhưng chỉ có vài chục cái áo phao, với quan niệm là xưa nay chưa chìm phà bao giờ. Lỡ sự cố xảy ra, thì tính sao?
Dân mình cũng chết nhiều vì tò mò. Nghe nổ cái đùng thì thay vì nằm xuống hay chạy đi, lại chen lấn nhau coi, sau đó nếu có nổ thêm một cái nữa thì chết sạch trơn. Chết trong ngơ ngác. Nhưng cũng có cái do người khác liều mà gây hại. Những sợi dây điện bùi nhùi dọc ngang trên phố, có thể sau trận “chiều mưa giông tới” là rơi xuống đường, nếu không đứt thì cũng tòn teng móc cổ người chạy xe máy, còn nếu đứt thì rơi xuống vũng nước ở đường phố, nơi nước thoát không kịp và nước cũng là chất dẫn điện tốt. Nhưng phải có sự cố thì mạng nhện ấy mới được tháo bỏ, còn dọn dẹp gọn gàng trước để hạn chế tai nạn thì không làm vì nghĩ không ra. Những bếp ga mini rỉ sét loang lổ vẫn được sử dụng bơm ga tới bơm ga lui cả trăm cả ngàn lần, bật lửa tanh tách trên các bàn nhậu và xung quanh là hàng chục khuôn mặt đang hau háu ngắm nhìn cái lẩu. Sự cố xảy ra một cái héng, thì lên bệnh viện cho bác sĩ gắp lưỡi heo ra khỏi lưỡi người. Những câu như ” đưa tao ăn cho, chết chóc gì” thường thấy khi phải đổ bỏ thức ăn bị ôi thiu, khoai tây lên mầm, bánh kẹo nhuộm màu công nghiệp vì tiếc. Bị ngộ độc rồi thì mới vừa khóc vừa ói nói dạ để em rút kinh nghiệm.
Ở Trung Quốc, người ta cũng liều kinh khủng và hậu quả cũng khôn lường. Khi Tony đề cập đến thực phẩm có quá nhiều hóa chất của nước họ, họ trả lời tỉnh bơ “thì cũng sống là bao, 80 tuổi là cùng chứ gì” như một cách bao biện rất phổ biến.
Chúng ta hay đổ tai nạn giao thông là do đường sá chật chội xuống cấp, nhưng đó chỉ là một phần, cái ý thức giao thông mới là quan trọng. Chẳng hạn ở Trung Quốc, hệ thống đường sá ở một số thành phố duyên hải thậm chí tốt nhất nhì thế giới, nhưng tai nạn giao thông vẫn xảy ra nhiều. Ở Tp Thanh Đảo, có lần anh Lý đang lái xe hơi chạy trên đường thì phát hiện anh Chu đi xe máy ở chiều ngược lại, thế là anh Lý vội thắng (phanh) xe cái két, chắc chỉ để chào hỏi nỉ hạo ma cho vui. Mấy chiếc xe đang chạy phía sau xử lý không kịp, thế là tông đít xe anh Lý cái rầm. Đợi miết không thấy anh Lý xuống xe vung tay chửi bới như mọi khi, tới mở cửa thì mới thấy anh Lý đã chết trên vô lăng. Hóa ra anh Lý vừa lái xe một tay, còn tay kia móc cứt mũi -một thói quen đáng yêu ở châu Á – thì bị tông từ phía sau nên hai ngón tay (đang nằm trong mũi, bị lực quán tính) đâm thẳng vào sóng mũi lên tận mắt, ngộp thở, chết.
Và báo chí thống kê, trên khắp Trung Quốc, một năm có khoảng 600,000 công nhân chết vì các lỗi ngáo ngơ, bất cẩn, liều mạng.
Các bạn làm sản xuất nói riêng, tuyệt đối không được liều.
Ở đời, liều thì sẽ lĩnh