Chiều qua ngồi nhậu trong quán lẩu cua đồng Thị Nghè, thấy bàn bên là mấy cậu mặc đồ công sở và ngồi tâm sự, chắc mới đi làm về. Bản chất nghe lén của Tony bỗng dưng trỗi dậy, cũng tại mấy cậu nói to quá. Một cậu than thở dạo này công ty tao đủ chuyện hết. Khách hàng nợ dây dưa không trả, rồi nhiều sự cố nên cả công ty ai cũng mệt mỏi, tao cũng buồn. Thằng bên cạnh chửi nói mày ngu quá, mắc mớ gì căng thẳng, chuyện công ty là của công ty chứ có phải của mày đâu. Nó mà không trả lương đầy đủ thì mày mới lo.
Một cậu khác nói tao lớn tuổi nhất ở đây, tụi mày phải nghe. Việc thằng H buồn chuyện công ty như vậy là sai. Chuyện của họ để họ giải quyết, nhắm không ổn là nghỉ việc ngay. Như ở ngân hàng của tao nè, dù có 10 việc ngày hôm đó, nhưng tao làm 5 việc thôi, để dành 5 việc kia bữa sau làm tiếp. Chứ làm hết rồi mấy ổng thấy làm nhanh quá lại giao việc nữa. Ông sếp trực tiếp tao mắt mũi như cú vọ, cứ nhìn nhìn coi ai rảnh là giao việc. Nên tao làm gì cũng kéo dài ra thiệt lâu. Làm cho lắm cũng mấy ông trong hội đồng quản trị ngân hàng giàu chứ tao vẫn vậy.
Cậu còn lại gật gù, khuyên thôi mày cứ nộp đơn chỗ khác đi. Gửi nhiều chỗ vào. Cái cậu H mới phân bua, nói tao là nhân viên chứng từ đâu có ra ngoài được mà đi phỏng vấn. Cái 3 đứa kia chửi ngu tiếp, nói thì mày kiếm lý do gì đó trốn ra. Giả bộ nói mẹ bệnh phải đưa đi khám bác sĩ. Hay sáng đó mày nói nhức đầu tiêu chảy gì đó không lên văn phòng được. Thật thà cha dại, trốn tìm cơ hội tốt hơn. Nhắm không kiếm chác gì được ở đó thì chuồn. Cậu H nghe và có vẻ xiêu xiêu theo. Rồi cả bốn cậu đều cụng ly dzô dzô. Sống trên đời này, phải lo trước cho mình, đó là sự khôn ngoan – cậu lớn tuổi nhất khuyên bảo cả nhóm.
Tony chợt nhớ lúc còn đi học, vào lúc nghỉ hè, Tony vô một xí nghiệp may mặc của Hàn Quốc ở Bình Dương, xin thực tập không lấy lương để quen việc xuất nhập khẩu. Lúc đó nhà máy cũng bị lâm vào khó khăn tài chính, khủng hoảng tài chính 1997 thì phải, tới tháng thứ 3 thấy công ty vẫn không trả được lương. Ông giám đốc người Hàn tên Park có họp và nói mọi người thông cảm, ráng gánh gồng giùm cho ổng vì hàng không xuất được, bên Hàn Quốc không cho ổng vay tiền nữa vì thắt chặt tài chính theo đơn thuốc của IMF. Tony thấy xe hơi ổng cũng bán, vợ con thì về nước hết, hằng ngày ổng đi lên nhà máy bằng xe ôm. Bình thường ổng cầm theo cái cà mèn ( cặp lồng), vợ ổng nấu cơm kiểu Hàn cho ổng mang theo, giờ vợ con về quê hết nên buổi trưa ổng ra trước ăn dĩa cơm bụi có mấy ngàn đồng như công nhân. Nhưng chỉ có vài nhân viên còn trẻ như Tony là thương ổng, mấy anh mấy chị lớn chửi quá trời. Nói mắc mớ gì thông cảm, tụi này cũng cần tiền để sống vậy. Ổng làm chủ công ty thì phải có tiền chứ, không có tiền thì đừng có qua đây xây nhà máy, đừng có làm ăn. Một buổi sáng nọ, Tony vô công ty và không thấy chị trưởng phòng XNK tên Đài đâu cả, cái Tony mới gọi điện về nhà hỏi thì chị Đài nói tao nghỉ việc rồi. Tao cầm cái máy fax và mấy giấy tờ quan trọng của công ty về nhà coi như siết nợ, mày nói với ông Park có trả lương tao thì tao mang lên trả.
Ổng thương nhân viên người Việt ghê lắm, nhất là chị Đài, người được ổng đào tao từ lúc mới ngáo ngơ ra trường. Sáng đó ổng kêu Tony giúp ổng gửi cái công văn này cho một công ty Hồng Công. Tony đọc thấy hợp đồng bán thanh lý toàn bộ nhà máy. Ổng kêu chị Lan kế toán vô, bảo các bạn mai không cần phải đi làm nữa, tuần sau lên nhận lương, công ty sẽ không nợ ai một đồng nào, bù cho mỗi người 1 tháng lương để đi tìm việc mới. Ổng nói xin lỗi, nói làm chủ mà không lo được cho mọi người, rồi nói gì dài lắm, tiếng Anh giọng Hàn cứ xí xô xí xào, nghe bắt mệt. Cái thôi, Tony lật đật đi làm việc ổng giao.
Khổ là cái máy fax bị chị Đài lấy mất rồi nên không gửi qua Hồng Công được. Mới vô báo ổng, cái ổng chưng hửng nói ủa máy fax sao cũng lấy. Ổng bảo thôi mày ra bảo vệ mượn xe máy ra bưu điện gửi fax cũng được, ổng đưa Tony 200 ngàn. Hồi đó chưa có email, làm gì cũng đánh máy, in ra rồi gửi fax, một trang cả mấy đô, mắc lắm. Tony chạy ra cổng nói anh bảo vệ cho em mượn xe của anh chút, em ra bưu điện Sóng Thần rồi về ngay. Anh bảo vệ nói đi vậy tiền xăng ai chịu, tao đâu có ngu. Tony chạy lên phòng nhân sự hỏi mấy người mà không ai chịu cho mượn, nên lại vô phòng báo cáo ông Park. Ổng giật mình ngồi một lúc thì hiểu ra, lục lọi hết trong túi quần túi áo, đưa Tony thêm đâu khoảng một trăm ngàn, nói đi xe ôm đi cho nhanh. Tony xong việc đem hợp đồng và tiền thừa về trả lại cho ổng. Vô phòng giám đốc không thấy ổng đâu, mới chạy đi tìm. Thấy ổng đứng ngoài gốc cây phía sau xưởng hút thuốc, mắt đỏ hoe…
Hôm bữa Tony tình cờ gặp chị Lan, kế toán cũ. Chị Lan nói ông Park vẫn giữ liên lạc với chị đến bây giờ. Sau khủng hoảng ổng cũng có gầy dựng lại một cái nhà máy mới bên Campuchia. Chị mấy lần rủ qua Việt Nam chơi nhưng ổng nói thôi tao không quay lại nơi đó đâu, nhớ kỷ niệm xưa buồn lắm.
Chị Lan nói ông Park không nhớ tên em, nhưng nói nếu có gặp thì cho tao gửi lời hỏi thăm cậu sinh viên cao cao ốm ốm, hồi xưa hay đi gửi công văn giấy tờ. Chị nghĩ là ổng nói em đó.
Buồn cho văn hóa Việt Nam
Tình người vietnam :W
Con chào Dượng.
Tò mò về Dượng quá đi nên con viết thư gửi. Đầu thư con gửi lời chúc sức khỏe và lời cám ơn chân thành đến những bài viết đã và đang dậy lên những ý tưởng, động lực trong lòng những người trẻ như chúng con. Phải đi nhiều và học sâu, hiểu nhiều lắm thì mới viết được những dòng đơn giản mà thắm đậm suy tư. Dượng ơi dượng bao nhiêu tuổi ? Con muốn được thỏa thích tìm hiểu và kinh nghiệm như dượng trước khi 30 tuổi. Từ bây giờ 23 tuổi thì có là quá muộn để bắt đầu thay đổi không ?
Dượng đã từng gặp sv du học Mỹ hay các nước phát triển nhưng hoàn cán gia đình khó khăn: làm nhiều hơn học, tìm cach ở lại dù là làm côngnviệc chân tay. Những bạn đó có là đối tượng dượng gửi gắm suy tư qua các bào viết không ? Theo dượng những sv du học những vì hoàn cảnh mà phải đi làm như thế này thì có đáng để họ đánh đổi ( chịu mất đi ) Cuộc sống an toàn ở việt nam không ?
Con có một ng bạn học dang dở năm 3 đại học tại một trường lớn của thành phố. Xong vì bạn ấy không đến nỗi khó khăn nhưng k dư dả gì , bạn đặt mục tiêu ra trường kiếm việc ngon lành ( mua nhà trong 7 năm ). Tính đi tính lại điều đó là không thể với chi phí sống ở sài gòn , bạn quyết định du học , du làm. Dượng nghĩ sao về quyết định này khi gia đình các bạn k đủ khả năng support nhưng các bạn quyết tâm đi để thay đổi ? Đó có phải đam mê vật chất vô nghĩa không ? Bạn đó quyết tâm dù đường học sẽ dài hơn nơi đất khách quê người , nhưng tương lai sẽ ổn định hơn. Dượng thấy sao về người bạn này ? Dượng có khuyến khích bạn trẻ khi không thấy giáo dục phù hợp thì nên bỏ ngang và tìm kiếm cơ hội như thế này không ? Con cám ơn dượng !.
Chan cho nhung con nguoi dau oc hep hoi, tun mun, khong tinh nghia. Khong bao gio lam an voi hay giao luu voi may nguoi do. Neu co lam an thi cung phai som nhan ra, that song phang.
Thuc te trong xa hoi Vn hien gio, gap nhung kieu nguoi nhu vay nhan nhan hang ngay. Chac ca tram nam nua moi thay doi y thuc he nguoi Vn.