Chuyện ở quán phở trưa – Tony Buổi Sáng
Tony sáng nay có việc lên Sài Gòn gặp khách ở khu Nguyễn Huệ quận 1, xong cái đi bộ qua đường để ăn trưa. Tới quán phở 24 thì thấy có 2 mẹ con người bán vé số đang nhìn vô quán. Người mẹ khoảng 3 chục nhưng trông hốc hác, còn con bé con khoảng 4-5 tuổi, đội cái mũ rộng vành lụp xụp, hai mẹ con cứ thập thò miết ngoài cửa. Người mẹ nhìn Tony có vẻ muốn hỏi gì đó nhưng e ngại không dám, nên Tony mới lên tiếng trước, hỏi hai mẹ con cần hỏi gì nè. Chị liền hỏi ở đây một bát phở chỉ có thật chỉ là 29 nghìn không, ở khu này tôi thấy cái gì cũng đắt nên không dám vào, phải hỏi trước cho chắc. Tony nói ừa, phở tô nhỏ chỉ có 29 ngàn thôi cô, vô ăn đi. Chị mới hỏi thêm là “có tính thêm gì nữa không anh”, Tony nói không, không dùng khăn dùng nước thì chỉ có 29 ngàn. Cái chị mới mạnh dạn dắt con bé vào. Nghe hai mẹ con nói với nhau, giọng địa phương miền ngoài đặc sệt.
Tony thấy chị kêu có 1 bát 29 nghìn cho con bé. Con bé đói quá nên phở còn nóng mà nó đã ăn từng muỗng to. Chị ngồi khép nép trong 1 góc, móc tiền lẻ ra đếm, đúng 29 ngàn thì cầm chặt bên tay trái, đợi con ăn xong thì trả. Con bé hỏi sao mẹ không ăn, chị lắc đầu, nói con ăn từ từ, kẻo nóng. Thấy chị quay đi, tránh nhìn vào bát phở.
Tony ăn xong, sẵn trả luôn tô phở kia. Một lúc sau, chị gọi cô phục vụ tới gửi tiền thì cô phục vụ nói “có chú kia trả rồi”, chị mới quay lại nhìn. Tony mới cười nói thôi để tui mời con bé. Chị cầm tiền qua đưa cho Tony, nói thôi, tiền cháu ăn ngại lắm. Tony nói không có nhiêu đâu chị, xua tay không lấy. Chị kêu con bé lại nói cám ơn bác đi con, xong móc trong giỏ ra xấp vé số. Tony mau mắn nói thôi cô, tui không biết chơi vé số. Cái chị nói không, tôi đưa anh 3 tờ, coi như tiền bát phở vừa rồi. Tony cũng từ chối nhưng cổ kiên quyết không chịu, nói tôi bán vé số cũng có lãi anh à, tôi không cho cháu lấy tiền người khác cho. Sợ ồn ào phiền quán nên Tony mới cầm, đưa cho cổ 1 ngàn cho đúng giá trị vì biết gặp người đẳng cấp. Chị cám ơn rồi tất tả dắt con bé ra khỏi quán.
Tony nhìn theo bóng hai mẹ con đi liêu xiêu trong nắng trưa gay gắt mà nhớ hồi xưa, hồi Tony học lớp 4, vừa chuyển ra thị trấn học. Lúc đó nhà Tony còn nghèo, nghèo đến mức Tony mặc chung cái quần xanh đồng phục với chị Ba đi học. Có lần má đạp xe lên trường đón Tony về, nắng nóng kinh khủng nên Tony nói con khát nước quá má à. Thấy má dừng xe lại đếm tiền trong giỏ, rồi đạp vô xe nước mía dốc đường lên ga xe lửa. Má gọi có 1 ly, Tony cũng hỏi sao má không uống, má lắc đầu. Tony khát quá nên uống cái rột hết ly, xong hai mẹ con đạp về. Tối ngồi học bài, nghe ở nhà dưới tiếng chị Hai cự nự, nói má chiều chuộng thằng Tèo quá đáng, tiền mai mua gạo mà mua nước mía uống. Sang gì sang dữ vậy trời.
Hồi đó, Tony nghĩ nước mía là xa xỉ phẩm. Giống bát phở với hai mẹ con chị vé số trưa nay.
Dạo này già cả, hay nhớ chuyện xưa. Nước mắt bỗng dưng chảy miết.
Đọc xong câu chuyện của anh, Phúc lại nhớ đến hộp sữa tươi ngon nhất mà Phúc được uống. Xin chia xẻ với các bạn và cũng là một kỷ niêm của tuổi thơ.
Ngày đó, Phúc học lớp 3, nhà làm ruộng nên mỗi khi gặt xong là nhà nào cũng rộn ràng…đi chở phân trong chuồng lợn, chuồng bò ra đồng. Trời nắng nóng, hai bố con đẩy e thồ phân cao hơn cả người Phúc. Cả hai bố con đều nhê nhại mồ hôi. Đến chuyến cuối cùng, bố nói:
– cố lên tí bố mua cho hộp sữa.
Nghe câu này mà tỉnh cả người, Cái năm đó 2003, sữa tươi Vinamilk là thứ xa sỉ với trẻ con ở nông thôn. Trừ khi..ốm mới được hộp sữa đó để uống. Đi đến giữa làng có một hàng tạp hóa, bố dựng xe lui lên một đoạn tránh của nhà người ta và lấy ra mấy nghìn để mua hộp sữa tươi. Đưa cho Phúc uống, chẳng dám uống nhiều mà uống ngụm một và nuốt dần dần từng ngụm vì sợ nó hết (kiểu như để dành). Đứng ngoài uống và đợi bố, bố vào nhà người ta đánh một hơi thuốc lào và làm ngụm chè xanh rồi ra đi tiếp. Lúc đó sữa vẫn còn, xin lỗi các bạn là hơi mất vệ sinh chút 🙂 . Một tay dun xe cho bố, một tay cầm hộp sữa uống dù biết là đang dun phân lợn. Bố dục:
– Uống đi con cho hết
Thế mà ngậm mãi đến lúc đi gần đến ruộng mới vứt vỏ hộp đi. Từ đó đến ruộng cũng gần 1km.
Đúng là một hộp sữa thực sự ngon
Hihi. Ba của bạn tuyệt vời quá. Ai cũng có một thời để nhớ nhỉ !
<3
Ba của bạn thật tuyệt,cha mẹ nào cũng dành phần ngon cho con cái hết.
Anh nói thật đúng ý tui. Tui hồi nhỏ xin cha mẹ 200 đồng mua bịch bánh mà ko dám.
Ối!Một thời nghèo khó đáng giá!
Còn nhớ dưới mái nhà tranh 4 tường đất lủng lổ chỗ, trời về khuya gió lùa qua khe cửa lạnh hơi sương, tui nằm đó ôm đôi dép nhựa hiệu cá sấu mẹ mới mua, chốc chốc lại đưa nó lên mũi hít một hơi dài, mùi nhựa mới làm lòng cứ lân lân khó ngủ.
Nhà nghèo ở miền trung (Phú Yên) mùa giáp tết, năm đó lũ lụt,nhà ăn mì tôm thay cơm. Với một đứa con nít 6 tuổi, thật khó để hiểu tại sao mẹ hay khóc và ba thỉnh thoảng lại thở dài vì tui thấy mì tôm ăn ngon hơn cơm cơ mà!
Tết đến đem những chủ nợ đến, nào tiền gạo, tiền mượn, tiền vay…ai cũng khó khăn nên ai cũng ráng ép má tui lấy tiền. Trong cái khổ trăm bề má nói:
– Năm nay, ba má không có tiền mua đồ mới cho anh em con, con là anh lớn con không được đòi kẻo mấy em bắt chước nghe chưa!
– …Dạ! Tui lặng thinh nghe má nói. Cả năm tụi tui chỉ chờ tới tết mới được mua cho bộ quần xanh áo trắng, bộ đồ đẹp nhất trong nhà mà đi đâu tui cũng mặc, cũng giữ gìn.
– Má ơi, umh…dép con…đứt rầu, mấy bữa nay con mang dép đứt đi học không à, đi 1 bên còn bên kia phải lết lết…uhm… mà thâu đi má, con mới đục lổ cột dây lại rầu, tết con cũng ở nhà không có lên nhà cô đâu, để qua tết có tiền lì xì, má cho con mua đâu dép mới đi học nha.
Má lặng thing không nói, rồi ôm tui vô lòng, khẽ quệt nước mắt, tui cũng ứa nước mắt theo.
Chiều hôm đó, má gọi lại đưa tui đôi dép mới:
– Đây, dép con đứt rầu, trước sau gì cũng mua, má mua sớm cho tết con lên nhà cô giáo với bạn bè, năm mới ráng học giỏi hơn nha con.
Vui sướng vô cùng, tui ôm đôi dép nhựa màu trắng cất ngay dưới chiếu. Hạnh phúc dường như muốn bật ra khỏi lồng ngực, tui lân lân và chạy lung tung khắp nhà. Rồi cả đêm tui ôm nó, nhét vô trong áo, giữ thật kỹ cho tới ngày mùng 1 mới lấy ra mang. Nhưng tui nào biết má đã phải năn nỉ mua nợ người ta cho tui.
Ôi tuổi thơ khốn khó đã dạy cho tui biết quí trọng hạnh phúc, và tìm hạnh phúc từ những điều bình dị nhất.
Cám ơn bác Tony đã gợi lại nhiều kỷ niệm, cám ơn cuộc đời!
Đọc bài viết của bạn mà sống mũi cay cay. Cảm ơn những chia sẻ hết sức chân thành của bạn!
con cũng cay như chú Tony
“Tui đưa anh 3 tờ, coi như tiền bát phở vừa rồi. Tony cũng từ chối nhưng cổ kiên quyết không chịu, nói tôi bán vé số cũng có lãi anh à, tôi không cho cháu lấy tiền người khác cho. Sợ ồn ào phiền quán nên Tony mới cầm, đưa cho cổ 1 ngàn cho đúng giá trị vì biết gặp người đẳng cấp. Chị cám ơn rồi tất tả dắt con bé ra khỏi quán.”
Đọc từ ” đẳng cấp” của anh mà tui nước mắt chảy như khóc mẹ mất, vì nó động đến nổi đau trong quá khứ của mình. Mấy ai được như Tony hiểu giá trị đẳng cấp là gì? Tui cũng từng ” đẳng cấp ” như thế nhưng bị gáo nước lạnh tạt thẳng vô mặt :” nghèo mà chảnh”. Ha ha
Ơn trời bây giờ hết nghèo rồi, cũng thường trả đãi những bát phở trưa cho người mà lòng ấm lại khi nhớ chuyện xưa!!!!
Thân gởi anh Tony lời chúc sức khỏe.
Hồi nhỏ chỉ được ăn mì tôm mỗi khi bị ốm, hiếm lắm mới có bữa lấy mì tôm làm canh. Tuổi thơ nghèo khổ giàu kỉ niệm.
Đồng cảm với bạn
Hồi nhỏ mỗi lần chị em tôi không ngoan, không nghe lời thường bị Má đánh đòn. Giận quá nên Má mới lấy roi đánh . Đánh xong rồi Má cũng xót lắm, biết con đau . Thế là Má xách gà mên đi ra chợ mua cho tô phở về cho con ăn cho bớt đau. Lúc đó ăn độn bo bo, mì vụn, khoai lang, khoai mì ngán gần chết. Được ăn phở là sung sướng lắm luôn. Đứa không bị đánh cũng xáp vô cho xin ăn miếng. Ăn phở của Má mua cái chút xíu nó hết đau liền hà. Thiệt ngộ !
Bây giờ mới biết thương Má mới đánh đòn. Đánh xong rồi Má còn phải cắt bớt tiền chợ mua phở cho con ăn. Thương Má lắm !
Các bác có cảm xúc như vậy vì các bác đều đã trải qua thời bao cấp cái gì cũng thiếu.
Tuổi trẻ bây giờ nếu luôn được gia đình tài trợ đầy đủ sẽ không trân quí những điều “nhỏ nhặt” ngày xưa.
Biết vậy mà số đông cha mẹ (như tôi) vẫn không dám buông con ra dù chỉ là một chút. Không vui khi con “con nhà lính, tính nhà quan” mà không nghĩ ra dc cách nào nói để cho con hiểu, rồi phấn đấu. Mỗi ngày con lớn lên, tôi lại tự nhủ…trăng tới Rằm trăng sẽ tròn, chứ còn biết làm sao
Bác nào có kinh nghiệm, xin chỉ giáo cho tui và mọi người với !
Hay cho câu: “gặp người đẳng cấp”. Cảm ơn câu chuyện của Dượng Tony.
Khóc!
Con cũng nhớ tuổi thơ của con nè ! Hồi xưa khổ quá con người bên đạo thiên chúa cứ mà xỉu trong nhà thờ do trúng gió hoặc nhịn đói là mấy xơ cho uống sữa đặc pha nóng , con thèm sữa lắm dượng à ! Con không may mắn mất mẹ sớm nên lớn không có sữa mẹ thiếu thốn nên cảm động khi đọc hai mẹ con ăn bún , mắt con rơi ướt cả màn hình ,… Thôi con cũng còn ngoại mà .