Tony Buổi Sáng

Con cáo và chùm nho

Con cáo và chùm nho

Các bạn xem hình để hiểu cách kinh doanh đúng là nên dùng giá bán để phân loại và chọn khách hàng mục tiêu (đối tượng cần phục vụ).

Ví dụ: không hạ giá, giữ giá ở mức nào đó, sẽ hạn chế lượng người có thể tiếp cận. Nhiều quán ăn họ bán mức 1 triệu đồng/bữa tối buffet, phục vụ 20 người, một đêm được 20 triệu. Hoặc giá 200,000 và có 100 người tới ăn, cũng được 20 triệu, phục vụ mệt hơn. Cáp treo đi Bà Nà tới 700 ngàn/vé là cách hạn chế tốt lượng người lên đỉnh núi. Đi rồi sẽ thấy 700,000 là xứng đáng vì người ta đầu tư nhiều và đẹp quá. Hang SD khu vực Phong Nha có giá 3000 đô sẽ hạn chế người tào lao đi vô phá di sản, không nên hạ giá vì đã hết suất đi trong mấy năm tới. Và ở đây, bạn cũng sẽ không thấy từng đoàn khách du lịch nước ngoài ồn ào như ở Hạ Long hay Đà Nẵng.

Với những sản phẩm mà người ta đổ xô mua, những nơi mà người ta nhất định phải đi, ví dụ lễ tết ở Nha Trang Đà Lạt chẳng hạn, thì hoàn toàn nên điều tiết bằng chi phí để hạn chế người lại. Cách các khách sạn ở Đà Lạt ngày 2/9, 30/4 và 1/5, Noel, Tết….đã tự động tăng giá 5 lần là hoàn toàn theo quy luật cung cầu, và là cách rất tốt để hạn chế người đến đây trong dịp này. Ai đủ tiền thì đi, không đủ thì phải chọn nơi khác phù hợp. Khách sạn có 10 phòng, hàng ngày chỉ có 5 khách nên họ bán mức giá 200 ngàn/đêm, nhưng lễ tết, tới 100 người có nhu cầu trong khi số phòng không đổi. Giá cả sẽ tăng tương ứng để thanh lọc đúng 10 người có khả năng vô ở.

Khái niệm chặt chém là khái niệm cảm tính và cảm xúc nhất thời của đám đông, miễn là thông báo trước, ghi rõ thì hoàn toàn đúng. Anh đồng ý, có khả năng thì mời vào. Không có thì đi, dù theo thái độ thông thường của con cáo, với không tới thì sẽ chê “chùm nho này còn xanh lắm, tao không thèm ăn”. Với người trồng nho hoặc bán nho, họ không quan tâm thái độ của con cáo. Kệ nó. Có phải đối tượng khách hàng mình đâu. Ngồi xem bình luận sau các bài viết là việc rất tốn thời gian, mỗi người mỗi ý, chỉ là quan niệm cá nhân. Trình độ nhận thức khác nhau sẽ ý kiến khác nhau, không nên để ý. Dù người bình luận, với cái tôi lớn, sẽ thấy khó chịu khi thấy họ không thèm đếm xỉa tới mình. Nhưng rồi cũng quen.

Kinh tế học không phải là khoa học tự nhiên, cũng không phải là khoa học xã hội. Nó là khoa học hành vi và khoa học của sự chọn lựa. Việc kêu gọi người bán giữ giá ổn định là trái quy luật cung-cầu, hãy để người bán tự điều chỉnh. Họ để cao, không ai mua sẽ tự động giảm. Giá là từ chỉ mức độ, ở đó cung và cầu gặp nhau. Nên từ “thu giá, collect price” của các trạm BOT là một từ sai trong ngôn ngữ học.

Trong kinh tế, trong làm ăn không có khái niệm cảm tính là đắt hay rẻ. Nếu bạn đọc hết các cuốn kinh tế học cơ bản, kinh tế vĩ mô vi mô, quản trị kinh doanh thật sự do người các nước thị trường mấy trăm năm nay viết, sẽ thấy hoàn toàn không có các chữ đắt, rẻ, cao, thấp, ngon, dở, xấu, đẹp, ghét, ưa, hem ưa, giận, buồn, chán, tò mò cá nhân, tin đồn, thị phi, nghe nói, hình như, không thèm, cạch mặt, tẩy chay, đừng hòng, e ngại,….

Hôm nay không có tiền, mình nói đắt nhưng ngày mai có tiền, mình sẽ thấy chẳng đáng bao nhiêu. Và ngược lại. Món phở quán này ngon hay dở là tuỳ gu cảm nhận, đừng hỏi phở Hàng Mành ngon hem mày. Ai biết, mày ăn rồi tự ra ý kiến.

Ca sĩ kia hát hay, dở cũng do tai người nghe. Miễn có khán giả là được, còn hát sao mà người ta hem ai chịu mua vé thì phải giải nghệ, đi bán bún bò vại. Hết cầu thì cung sẽ ngưng.

Người ta chỉ có chữ phù hợp hay không phù hợp khi nói về kinh tế. Giới trẻ thế giới, họ dùng từ “affordable” trong việc mua hàng chứ không có ai dùng từ “expensive, cheap” cả. Người cảm tính, cảm xúc che lấn lý trí và khách quan, thì khó mà làm kinh tế giỏi. Và quan hệ với nhau cũng không bền.

P/s: Trong hình là nhà hàng phục vụ buffet cho thực khách. Giá khác nhau nên đối tượng ăn sẽ khác nhau. Quản lý nhà hàng sẽ tự ra quyết định về giá bán.

Exit mobile version