Chuyện hát ca và nỗi lòng người xa xứ

Âm nhạc có vai trò quan trọng đặc biệt ở xã hội chúng ta, nơi số lượng quán karaoke nhiều hơn tất cả các trung tâm thể dục thể thao, thư viện và nhà sách cộng lại. Hiếm có tiệc tùng nào tăng 2 không phải là đi hát Karaoke. Nắm bắt nhu cầu hát hò đó, trên tivi tràn ngập các cuộc thi âm nhạc, chiếm phần lớn giờ vàng buổi tối. FB Tony có 1500 bạn, dạo 1 vòng, các status update phần lớn là hôm nay ca sĩ này hát hay quá, ca sĩ kia hát dở quá. Hỏi ra, mới hay thời gian buổi tối của rất đông thanh niên Việt Nam bây giờ, kể cả trí thức ( tạm gọi những người tốt nghiệp đại học là trí thức), gắn liền với việc nhìn vào cái máy laptop, Ipad và Iphone và bàn chuyện tào lao, comment cãi nhau suốt, chuyện gì cũng cãi.

chuyen ca hat

Sau một ngày làm việc, ban đêm về chúng ta xem tivi, xem các thần tượng Việt, tài năng Việt hát tiếng Anh giống y chang người nước ngoài. Tivi ở Hàn Quốc, Malaysia, Thailand, đêm đêm tràn ngập các thông tin về dạy làm giàu, dạy đạo đức, làm nông nghiệp, dạy ngoại ngữ, dạy cách sáng tạo, dạy nấu ăn, dạy cách ứng xử, các gameshow khuyến khích chí tự học và tự cường của mỗi cá nhân. Cũng có các kênh giải trí như thể thao, ca nhạc, phim ảnh, ai đã đi làm cả ngày thì tối về bật mấy cái đó xem. Còn ở ta, cứ hát hò suốt, kênh nào cũng hát, tỉnh nào cũng hát….

Ở thành phố còn có cái đi chơi, chứ ở thôn quê ban đêm chẳng biết làm gì ngoài cái tivi. Nó phát gì thì nghe nấy. Nên tối nào, bà con cũng hướng lên màn hình, vui vẻ cười ha hả, rồi thơ ngây lấy điện thoại ra bấm 1900…nhắn tin để làm đầy túi tiền của 1 công ty giải trí nào đó. Mình từng chứng kiến ở miền Tây, một nhà kia có cô con gái đi xuất khẩu lao động, 2 vợ chồng cứ nằm võng kẽo kẹt chờ đến 4h chiều là dò ( tra) sổ đề, tối nào cũng nằm mơ con ong con bướm và đánh đề, chứ chưa nghe thấy nằm mơ thấy con gái. Rồi đêm nào cũng nhắn tin “ dự đoán có bao nhiều đáp án giống bạn” cho mọi gameshow trên tivi. Cả ngày chả làm gì ngoài 2 việc đó. Rồi ” Út, mày viết email nói chị Hai mày gửi về ba vài trăm đô coi”. Ai biết những chị Hai bên kia cày muốn chết, cực khổ hay đau ốm gì cũng không dám nói, nên bên Việt Nam tưởng đi nước ngoài là hái tiền như hái lá ổi, cần là bảo gửi về. Sau một ngày mưu sinh vất vả, đêm về những chị Hai ấy nước mắt cứ tuôn trào vì thương phận mình, rồi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ dòng sông lục bình trôi tím ngắt, nhớ mỗi hoàng hôn bìm bịp lẻ bạn kêu tha thiết đến nao lòng.

Có những đội quân thắng trận như Hồng Quân Liên Xô vì họ biết cổ vũ tinh thần binh sĩ bằng những lời như ” trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân kéo về” hay tình yêu cũng nhẹ nhàng và hòa trong tình yêu đất nước ” tình đã trao nhau êm đềm, gặp nhau lần nào cũng vội vì chẳng đủ gần mà giận dỗi”. Nhưng cũng có những số phận, những con người của một vùng đất mà cứ phải đeo đẳng cái nghèo cái hèn, cái bất lực và tứ xứ tha phương cầu thực, những cô gái đất phương Nam bước chân ngàn dặm ra đi lấy chồng Hàn chồng Đài hay làm gái massage bia ôm tận Mộc Châu Sơn La cũng chỉ vì câu hát ” thương những đời như lục bình trôi”. Ít có cô gái miền trung nào làm nghề này vì ở miền trung đâu có những bài hát buồn như vậy. Hẻm có cô gái bán bia ôm nào vào phòng sau khi sà vào lòng khách là không chụp micro hát vang trong nước mắt bài “Tội tình” với “sao anh bỏ ra đi, em nào có tội tình gì, sao anh bỏ ra đi, em nào có lỗi lầm chi?” Còn nếu bạn đi karaoke với 1 bà giáo sư tiến sĩ nào đó, bạn sẽ nghe bà ấy cầm micro hùng hồn với ” dậy mà đi, dậy mà đi, ai chiến thắng không hề chiến bại”. Nghe nhạc hùng hồn như thế mới ăn học thành tài được, chứ nghe “ngày mai em lên xe hoa, mang cả tình anh lên theo xe tang” thì rụng rời chân tay, còn muốn học muốn làm gì nữa?

Lúc ở bển,Tony sợ vào quán của người Việt mặc dù thèm đồ ăn ở đó. Vì vào nghe toàn nhạc buồn rên rỉ ỉ ôi, nhớ nhà lắm, muốn bỏ học. Có cái bài gì, “ở bên này nhớ cha nhớ mẹ, may mà thời gian trôi vun vút, không như Sài Gòn, nếu không tôi đã khóc một dòng sông”. Ngồi nghe xong nước mắt cứ chảy dài, trời đông lạnh giá, nước mắt vừa trào ra đã khô cứng trên má, gỡ ra bỏ vô ly cà phê nóng thành cà phê đá (rẻ hơn 1 usd). Công ty nào nghe nhạc sến cả ngày trước sau gì cũng phá sản. Người nào nghe nhạc sến cả ngày thì trước sau gì cũng bị chồng bỏ vợ quánh bầm mắt cho coi.

Vậy phải làm sao? Làm sao để lên dây cót tinh thần? Kinh tế đang suy thoái, nên nghe nhạc hùng hồn để có tinh thần làm ăn. Đang buôn bán ế? Bạn nên dẹp mấy nhạc rầu rĩ nếu đang nghe. Tony cũng vậy, giờ quyết định hẻm coi cải lương nữa. Coi khóc hoài. Bữa thương con Lan bữa thương thằng Điệp. Bữa tội nghiệp cô Lựu (hổng phải Mai thị Lựu). Khóc quá nên hết muốn làm ăn gì.Lúc rảnh rỗi giải trí, Tony sẽ chuyển qua nhạc hồng quân Liên Xô hay xem Gangnam Style. Nghe là hưng phấn, lao đi gặp khách hàng, cười nói lả lơi, rồi nếu nó không chịu ký hợp đồng thì hưng phấn đập phát chết tươi.

Quyết đi nhổ hết tóc bạc và kéo căng da mặt ở thẩm mỹ viện. Hay đi làm răng sứ cho nó lóa sáng bên nha khoa bác sĩ Bảy. Chiều sẽ đi thể thao, có thể là đi quánh golf hay chơi tạt lon với mấy đứa nhỏ trong chung cư. Sẽ đi Metro mua về 1 thùng nước collagen trước khi ngủ uống 1 lon cho nó trẻ.

Ngày mai, sẽ là 1 Tony đầy năng lượng, phơi phới mười tám đôi mươi, kiêu hãnh bán phân giữa dòng đời xuôi ngược.

2 Comments

  1. Nga lubach Tháng mười 29, 2017 Reply
  2. thức-đêm-viên Tháng mười hai 14, 2019 Reply

Leave a Reply